Nuôi cá trắm cỏ không khó nhưng học được kỹ thuật nuôi cá trắm cỏ thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao không phải ai cũng làm được. Cách nuôi cá trắm cỏ dưới đây đã được nhiều người áp dụng và đạt năng suất cao.
1. Đặc tính của cá trắm cỏ
Cá trắm cỏ hay còn gọi là cá trắm trắng là loài cá nước ngọt dễ nuôi và mau lớn. Tuy không phải là loài cá nước ngọt có chất lượng thịt thơm ngon nhất nhưng lại được nuôi phổ biến ở nhiều địa phương do chúng không kén ăn, đề kháng tốt và cho năng suất cao.
Thân cá trắm cỏ thon dài và có dạng hình trụ, bụng tròn, thót lại ở gần đuôi; chiều dài lớn gấp 3,6-4,3 lần chiều cao của thân và gấp 3,8-4,4 lần của chiều dài đầu; chiều dài của đuôi lớn hơn chiều rộng của nó; đầu trung bình; miệng rộng và có dạng hình cung; hàm trên dài rộng hơn hàm dưới, phần cuối của nó có thể sát xuống phía dưới mắt; không có xúc tu; các nếp mang ngắn và thưa thớt (15-19); vảy lớn và có dạng hình tròn. Màu cơ thể có phần hông màu vàng lục nhạt, phần lưng màu nâu sẫm; bụng màu trắng xám nhạt.
Thức ăn chủ yếu của cá trắm cỏ là các loại cỏ, rong và động vật phù du như tôm, tép, ấu trùng cá v.v. Trong điều kiện chăn nuôi nhân tạo, cá trắm cỏ có thể ăn các loại thức ăn nhân tạo (sản phẩm phụ của việc chế biến ngũ cốc như cám hay thức ăn viên chẳng hạn).
2. Kỹ thuật nuôi cá trắm cỏ trong lồng trên sông, hồ
Chọn cá bố mẹ
- Cá cái:
Khi chọn cá, để ngửa bụng cá ngang sát mặt nước, bụng cá phẳng đều từ ngực xuống hậu môn gần như cùng mặt phẳng với nước. Nếu từ vây bụng trở lên ngực có hiện tượng lồi lõm không đều chứng tỏ nội tạng tích mỡ quá nhiều hoặc ruột chứa nhiều thức ăn.
Sờ da bụng thấy mềm đều từ trên xuống dưới; đồng thời chuyển dịch con cá qua lại hai bên và đưa đầu cá cao khỏi mặt nước, thấy bụng cá có hiện tượng dịch chuyển theo. Sờ vào hai lườn bụng cá thấy xương sườn nhô lên một chút cũng là biểu hiện tuyến sinh dục của cá hoạt động tốt. Quan sát hậu môn cá, thấy hơi hồng và hơi nhăn, cũng là biểu hiện tuyến sinh dục tốt.
Ngoài việc chọn cá cái theo ngoại hình thì cần phải dùng biện pháp thăm và thử trứng: Dùng que thăm trứng, đưa vào cơ quan sinh dục cá cái với mức độ sâu tùy từng cá thể cá mẹ, xoay que thăm trứng 1 – 2 vòng (3600 – 7200), rút que ra và thu được 30 – 50 quả trứng.
Trứng được lấy ra cho vào bát nước sạch, thấy trứng có màu xanh hoặc vàng, các trứng có hình tròn đều nhau là trứng đã đạt giai đoạn thành thục. Hoặc có thể cho trứng vào dung dịch thử trứng, nếu trứng phân cực rõ rệt, nhân đã ở vị trí 2/10 – 3/10 đường kính của trứng là trứng đã thành thục.
- Cá đực
Chọn những con đực không bị bệnh ngoài da, thân hình khỏe mạnh, cân đối, không xây xát, vây vẩy hoàn chỉnh.
Bắt cá đực để ngửa bụng, dùng 2 ngón tay vuốt nhẹ hai bên từ trên xuống cách hậu môn 5 – 7cm thấy có tinh dịch màu trắng sữa đặc chảy ra, tan nhanh vào nước, đó là cá đực đã thành thục tốt.
Thả cá giống:
Đối với cá nuôi lồng, thời gian thả cá tốt nhất là tháng 2 – 3 hoặc thả cá sau lũ. Nuôi cá trắm cỏ được khoảng 6 tháng là có thể bắt tỉa con to và nuôi được 1 năm là có thể thu hoạch toàn bộ. Mật độ thả cá trắm lồng khoảng 30 – 35 con/m3. Trước khi thả cá cần ngâm bao cá giống trong lồng khoảng 15 phút để cân bằng nhiệt độ và mở túi ra cho nước vào từ từ để cá giống tự bơi ra. Và nên thả cá lúc sáng sớm, buổi chiều hoặc buổi tối, tránh thả cá lúc trưa nắng hoặc khi trời mưa. Ngoài ra, để phòng ký sinh trùng, nấm phát triển trên cơ thể cá và để tỷ lệ cá sống, sinh trưởng cao nên tắm cá giống bằng thuốc tím hoặc nước muối loãng trong thời gian 5 phút. Trong khi tắm cho cá giống phải có sục khí để cá không bị ngạt thở.
Thức ăn và khẩu phần ăn:
Thức ăn của cá trắm cỏ cũng rất đa dạng, chúng có thể ăn các loại cỏ, rong, bèo, lá chuối, lá ngô, lá sắn… và động vật phù du như tôm, tép, ấu trùng…. Ngoài ra trong điều kiện chăn nuôi nhân tạo, trong lồng, bè thì bà con cũng có thể cho cá trắm cỏ ăn thêm cám ngô, cám gạo hoặc trồng thêm cỏ nuôi cá
Ở giai đoạn đầu các loại thức ăn như lá cỏ, sắn, thân cây chuối, lá ngô, lá chuối cần được băm nhỏ để vừa cửa miệng của cá.
Khi cá đạt khoảng từ 0,8kg/con trở lên có thể cho cá ăn trực tiếp các loại cỏ, lá sắn, lá chuối còn thân cây chuối vẫn phải cắt nhỏ.
Sau mỗi lần cho ăn cần kiểm tra vớt các cọng cỏ, cây, lá già cá không ăn được để tránh làm nhiễm bẩn nguồn nước trong ao.
Lượng cỏ cho ăn, lá sắn, lá ngô tươi cho ăn từ 30 – 40% trọng lượng cá thả trên ao/ngày. Với rong, bèo, cây chuối cho ăn 60% trọng lượng cá thả trong ao/ngày.
Thức ăn tinh, thức ăn tự chế biến, cám gạo, cám ngô cho cá ăn với khẩu phần từ 1,5 – 2% trọng lượng cá có trong ao.
Để chủ động cho nguồn thức ăn hằng ngày của cá trắm, bà con nên trồng thêm giống cỏ nuôi cá trắm để tiết kiệm chi phí hơn.
Phương pháp cho cá ăn:
– Thức ăn đưa xuống lồng nuôi thành nhiều đợt để tất cả cá đều được ăn.
– Quan sát hoạt động bắt mồi của cá, theo dõi mức tiêu thụ thức ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
– Hàng ngày vớt thức ăn thừa ở trong lồng trước khi cho thức ăn mới.
Chăm sóc và quản lý lồng nuôi:
Vệ sinh lồng:
– Trước khi thả và sau một đợt thu hoạch: Đem lồng lên cạn, dùng vôi quét mặt trong và ngoài lồng, sau đó phơi khô 1 – 2 ngày.
– Trong quá trình nuôi, định kỳ 2 lần/tuần vệ sinh, cọ rửa các tạp chất bám ở trong và ngoài lồng.
– Hàng ngày, trước khi cho ăn vớt bỏ thức ăn dư thừa trong lồng, cho cá ăn thức ăn sạch.
Môi trường nước nuôi:
– Dùng vôi Nông nghiệp khử trùng và khử chua cho môi trường nước.
– Treo túi vôi 2 – 4 kg/túi ở vị trí đầu nguồn nước. Khi vôi tan hết tiếp tục treo túi khác.
– Định kỳ 7 – 10 ngày hoà tan 2 – 3 kg vôi tạt trong lồng và khu vực nuôi để phòng bệnh cho cá, làm sạch môi trường nuôi xung quanh.
– Định kỳ 7 ngày/lần dùng vitamin C trộn vào thức ăn công nghiệp với liều luợng 2 – 3 g/kg thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.