Kỹ thuật ủ thức ăn cho bò sữa

Ngày nay, bò sữa là một vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều hộ chăn nuôi . Do có đặc điểm cấu tạo hệ thống tiêu hóa của loài gia súc nhai lại nên thức ăn hàng ngày của bò sữa chủ yếu là thức ăn thô xanh. Tuy nhiên, việc thu hoạch các loại cỏ nuôi bò với số lượng lớn mà sử dụng không hết trong thời gian ngắn và để giữ thức ăn được lâu trong mùa khô hoặc mùa lũ thì kỹ thuật ủ thức ăn thô xanh dùng trong chăn nuôi bò sữa ngày càng được áp dụng rộng rãi

1. Mục đích của kỹ thuật ủ thức ăn cho bò sữa

– Bảo quản giá trị dinh dưỡng của cây thức ăn không bị mất chất lượng so với thời điểm thu cắt để có thể sử dụng lâu dài trong nhiều tuần, nhiều tháng.

Mục đích của Kỹ thuật ủ thức ăn cho bò sữa
Mục đích của Kỹ thuật ủ thức ăn cho bò sữa

– Bằng quá trình lên men yếm khí làm cho chúng trở nên dễ tiêu hóa; Các phần cứng của thân cây cỏ voi, cỏ ghine,… sẽ bị mềm ra làm gia súc thích ăn và tiêu hóa tốt hơn.

– Kỹ thuật ủ thức ăn thô xanh có thể giúp người chăn nuôi chủ động trong việc đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn thô xanh ổn định cho bò sữa và có thể khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn nguyên liệu phụ phế phẩm nông nghiệp.

2. Kỹ thuật ủ thức ăn thô xanh

Trước hết, để ủ thức ăn thô xanh thì việc xây dựng hố ủ là quan trọng. Một hộ chăn nuôi có thể xây dựng 1 hay nhiều hố ủ tùy thuộc vào nhu cầu lượng thức ăn thô xanh cần dự trữ. Kích thước hố ủ dài 1m, ngang 1m, cao 1,5m. Có thể xây hố ủ to hơn và làm các vách ngăn ở giữa để luân phiên ủ thức ăn đảm bảo dự trữ đủ nhu cầu thức ăn thô xanh cho bò sữa. Mỗi hố ủ dung tích 1,5m3 có thể chứa 750 – 900kg thức ăn ủ tươi tùy theo vật liệu sử dụng. Đáy hố ủ phải khô ráo, không bị nước hay ẩm. Cần thiết lót một lớp gạch hoặc đá vụn ở đáy hố dày khoãng 10cm để tạo sự thoát nước tốt trong hố ủ, không làm hư lớp thức ăn ở đáy hố ủ.

   Kỹ thuật ủ:

– Vệ sinh chuẩn bị hố ủ thật sạch sẽ 1 – 2 ngày trước khi thu hoạch.

– Sau khi thu cắt, nên phơi cỏ để làm giảm bớt lượng nước. Thời gian phơi từ 4 – 6 giờ tùy thuộc vào thời tiết đến đạt độ ẩm 65 – 70% là đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, do hàm lượng đường có trong cây thức ăn rất ít nên cần bổ sung 1 lượng rỉ mật đường để làm tăng quá trình lên men lactic, làm thức ăn có mùi chua ngon hơn. Lượng rỉ mật đường bổ sung tùy thuộc chất liệu cây thức ăn. Ví dụ : Cây cỏ voi cần bổ sung 50 – 100lít/ 1 hố ủ; Thân bắp chỉ cần bổ sung 5 – 10 lít/ hố ủ. Rỉ mật cần pha loãng với nước và tưới đều trên từng lớp thức ăn trước khi giậm nén. Khi đã chất đầy thức ăn vào trong hố ủ và giậm nén thật kỹ, ta tiến hành đóng hố ủ bằng cách chất lên trên 1 lớp rơm khô và 1 lớp đất hoặc gạch (không đậy bằng nilon) để nhiệt sinh ra trong hố ủ dễ thoát, không tăng nhiệt độ trong hố ủ làm giảm chất lượng thức ăn. Thức ăn trong hố ủ như thế sau 2 tuần có thể lấy ra cho gia súc ăn.

Kỹ thuật ủ
Kỹ thuật ủ

Bà con vẫn có thể dự trữ thức ăn ủ lâu hơn nếu chưa cần sử dụng trong điều kiện giữ kín. Thức ăn được ủ tốt khi lấy ra mềm, có màu vàng sáng, mùi chua dễ chịu. Khi sử dụng lấy theo từng lớp, sau khi lấy thức ăn ra phải đậy hố ủ lại như cũ. Cần loại bỏ những lớp thức ăn có đốm trắng (bị mốc), hoặc bị hư thối ở lớp đáy do bị úng nước.

Nhìn chung bất cứ loại cây thức ăn nào cũng có thể áp dụng phương pháp ủ tươi. Hiện nay, phổ biến sử dụng là các cây cỏ bảo quản được lâu như cỏ ghine, cỏ voi, cỏ va06.

Có thể thấy, thức ăn ủ từ cỏ dùng trong chăn nuôi bò khá thơm, vị hơi chua, nhiều vitamin nhóm B, có chứa nhiều vi khuẩn lên men lactic và trâu bò rất thích ăn. Tuy nhiên, không thể sử dụng hoàn toàn thức ăn ủ chua thay thế cho thức ăn thô xanh, vì có thể gây rối loạn tiêu hóa và trâu bò bị tiêu chảy khi ăn quá nhiều.

Để được giải đáp thắc mắc và tư vấn về kỹ thuật ủ thức ăn cho bò sữa, bà con có thể truy cập nhanh vào website https://cochannuoi.com/  hoặc liên hệ hotline 0964 693 226 của đại lý cỏ chăn nuôi HT.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *